Tai là bộ phận khá khó làm sạch hoàn toàn ở chó, mèo. Vùng này hay bị nhiễm khuẩn, hay ẩm thấp nên là nơi dễ sinh sôi của mầm bệnh. Một trong số bệnh thường thấy ở tai chó, mèo là viêm tai ngoài. So với viêm tai giữa hay viêm tai trong thì viêm tai ngoài không nguy hiểm bằng. Cách điều trị và cách phòng tránh cũng đơn giản hơn. Nhưng tuyệt đối đừng vì thế mà lơ là bạn nhé. Trong bài viết này mình sẽ chia sẻ về bệnh viêm tai ngoài ở mèo và chó. Cùng xem qua nhé.
Nguyên nhân gây bệnh
Bệnh nào cũng mệt nhưng với viêm tai thì đặc biệt khó chịu. Thú bị viêm tai sẽ cảm thấy đau đớn, ngứa gãi nhiều, có mùi hôi và có biểu hiện khó chịu. Viêm tai được chia là viêm tai ngoài và viêm tai giữa/trong. Viêm tai ngoài là một bệnh lý thường gặp trên chó mèo. Một số giống chó có tai lớn, cụp rũ hoặc có lông mọc trong tai thường bị hơn như Cocker Spaniels, Miniature Poodle, Old English Sheepdogs… Trên chó, nguyên nhân gây viêm tai ngoài thường do vi khuẩn hoặc nấm. Tuy nhiên, trên mèo, nguyên nhân thường gặp là do ghẻ tai. Cụ thể:
Do ký sinh trùng
Ve, rận, cái ghẻ là những con vật thường xuyên ký sinh trong tai chó mèo và gây ra các bệnh viêm tai khiến chó mèo bị ngứa ngáy gãi nhiều khiến tai bị tổn thương gây nhiễm trùng dẫn đến viêm tai.
Do vi khuẩn và nấm
Có rất nhiều các loại vi khuẩn và nấm gây lên bệnh nhiễm trùng tai ở chó mèo. Thông thường nếu cho khỏe mạnh tai khô ráo thì chó có thể đề kháng lại được các loại ký sinh trùng gây hại này nhưng ở môi trường thích hợp có độ ẩm rất dễ vi khuẩn có thể sinh sôi nảy nở khiến tai chó mèo tổn thương và gây lên tình trạng viêm.
Môi trường vùng tai bất lợi
Lỗ tai là môi trường mà vi khuẩn và nấm thích sinh sống nhất chúng sinh sôi nảy nở rất nhanh ở những chú chó mèo bị bệnh tai rũ, tai mềm giống như Giống chó coker spaniels rất dễ bị nấm ở tai do độ ẩm qua mức.
Dấu hiệu của bệnh
Viêm tai thường gây đau cho thú. Bạn sẽ thấy các bạn nhỏ thường xuyên lắc đầu, gãi tai hoặc các vùng xung quanh tai. Tai thú thường viêm đỏ, có mùi khó chịu, có thể chảy dịch màu đen hoặc vàng. Trường hợp viêm mãn tính, vành tai dày lên và ống tai bị hẹp do niêm mạc viêm lâu ngày.
Viêm tai ngoài thường nhầm lẫn với nhiễm ghẻ tai vì thú cùng có những triệu chứng ngứa gãi, lắc đầu và có dịch tiết màu đen. Tuy nhiên, ghẻ tai thường gặp trên cún hoặc mèo con. Chó mèo trưởng thành có thể bị nhiễm ghẻ tai từ cún/mèo con, từ đó tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn và nấm phát triển, gây viêm tai ngoài.
Cách xử lý khi chó, mèo bị bệnh viêm tai ngoài
Khi bạn nghi ngờ cún/mèo nhà mình bị viêm tai ngoài, bạn nên đưa bé đến gặp BSTY nhé. Bác sĩ sẽ dùng ống soi để kiểm tra ống tai xem có ngoại vật hay u bướu không và tình trạng của màng nhĩ. Tiếp theo, bác sĩ sẽ lấy dịch tai để xác định tác nhân gây viêm và có thể làm kháng sinh đồ (kiểm tra độ nhạy cảm của vi khuẩn với kháng sinh- nếu cần thiết). Từ đó, BSTY sẽ đưa ra chẩn đoán và liệu trình thích hợp cho bé nhà bạn. Đa số các trường hợp bị viêm tai ngoài đều được chữa khỏi nếu xác định đúng nguyên nhân và chủ nuôi hợp tác tốt.
Cún/mèo bị viêm tai ngoài thường bị đau, thường xuyên dùng chân gãi và lắc đầu. Điều này có thể dẫn đến tình trạng gọi là bướu máu vành tai, khi các mạch máu ở vành tai bị vỡ do gãi/lắc quá mức, và cần phải can thiệp bằng tiểu phẫu. Ngoài ra, viêm tai ngoài lâu ngày có thể dẫn đến viêm tai giữa, gây thủng màng nhĩ và ảnh hưởng nghiêm trọng đến thính lực của thú.
Cách phòng tránh
Trong quá trình điều trị viêm tai ngoài, việc vệ sinh tai sao cho đúng cách của chủ nuôi đóng vai trò quyết định. Việc phòng ngừa viêm tai không hề khó. Bạn dùng thuốc phòng ghẻ tai; giữ tai cún/ mèo luôn sạch (nhưng không có nghĩa là lạm dụng việc làm sạch nha); và đưa bé đi khám ngay khi bạn nghi ngờ bé có triệu chứng. Phòng bệnh lúc nào cũng tốt hơn chữa bệnh, đúng không ạ?
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết. Hi vọng những thông tin này sẽ hữu ích với bạn. Xem thêm cách phòng bệnh cho vật nuôi tại đây.