Ngan là loài dễ nuôi và thích ứng cả trên cạn và dưới nước. Đặc điểm thức ăn của ngan cũng rất đa dạng và sẵn có. Ví dụ như ngô, gạo, xu hào, bắp cải, giun, cua ốc,…Với loài ăn tạp này, người chăn nuôi không gặp nhiều khó khăn khi cung cấp khẩu phần dinh dưỡng cho chúng. Dựa vào mục đích sử dụng của mỗi loại thức ăn, người ta chia thành 3 nhóm thức ăn chính cho ngan. Để tìm hiểu về vấn đề này, nhằm tiếp nhận thêm những thông tin hữu ích nâng cao năng suất chăn nuôi, hãy đọc bài viết sau của chúng tôi.
Đặc điểm sử dụng thức ăn của ngan
Ngan là loài gia cầm thích ứng rộng rãi cả trên cạn và dưới nước và có thể nuôi quanh năm. Việc chăn nuôi ngan rất dễ, trong nuôi chăn thả truyền thống, thức ăn của ngan rất đa dạng phong phú. Không đòi hòi khắt khe dinh dưỡng trong khẩu phần.
Thức ăn thường dùng của ngan gồm các loại thức ăn sẵn có. Thức ăn tinh như ngô, thóc, gạo, cám, khoai… Thức ăn protein như đậu tương, bột cá, cá tép, giun, don dắt, cua ốc… Thức ăn xanh như bèo tấm, bèo tây, lá xu hào, bắp cải… Ngan thích ăn dạng mảnh, hạt, không thích ăn thức ăn bột, ướt và trơn. Ngan thuộc loài ăn tạp, được nuôi bằng nhiều loại thức ăn khác nhau. Căn cứ vào mục đích sử dụng của mỗi loại thức ăn trong khẩu phần, người ta chia thức ăn nuôi ngan thành 3 nhóm chính.
Ba nhóm thức ăn của ngan
Thức ăn năng lượng
Nhóm này bao gồm các loại hạt ngũ cốc và sản phẩm phụ của chúng. Loại thức ăn này gồm các hạt hoà thảo như: thóc, ngô, kê, cao lương và các sản phẩm phụ của chúng như cám, tấm…
Thóc: Năng lượng của thóc khoảng 2630-2860 Kcal/kg, protein: 7,8- 8,7%, mỡ: 1,2-3,5%, xơ: 10-12%. Trong thóc hàm lượng lizin, acginin, tryptophan cao hơn ngô. Nhưng lượng khoáng đa lượng và vi lượng trong thóc thấp.
Ngô: Là nguồn thức ăn giàu năng lượng, ngô đứng hàng đầu trong các loại thức ăn năng lượng ở gia cầm.
Loại thức ăn protein
Gồm các loại hạt cây họ đậu, cá và các phụ phẩm của chúng. Đại diên lớn nhất của các loại thức ăn này là đỗ tương, đỗ xanh, lạc., bột cá, bột đầu tôm:
Đỗ tương: Giá trị sinh học của protein đỗ tương cao tương đương với các protein động vật. Tuy nhiên khi sử dụng đỗ tương phải chú ý đến những tác nhân kháng dinh dưỡng có trong hạt đỗ tương.
Lạc: Lạc chứa nhiều dầu mỡ, tỷ lệ mỡ chiếm 38-40% trong lạc vỏ và 48-50% trong lạc nhân. Hàm lượng protein trong khô dầu ép cả vỏ là 30-32%, trong khô dầu lạc nhân là 45-50%.
Bột cá: Bột cá là nguồn thức ăn protein tuyệt vời cho gia cầm bởi vì bột cá chứa đầy đủ số lượng của các axit amin cần thiết mà gia cầm yêu cầu, đặc biệt là lizin và metionin. Song bột cá là nguyên liệu đắt tiền do đó để đảm bảo giá thành của khẩu phần cần tính toán cung cấp một tỷ lệ hợp lý.
Bột đầu tôm: Bột đầu tôm là nguồn protein động vật giàu các nguyên tố khoáng, thành phần dinh dưỡng và giá trị sinh học của protein bột đầu tôm khá cao. Nhưng không bằng bột cá và bột máu.
Loại thức ăn khoáng, vitamin
Loại thức ăn cung cấp khoáng và vitamin được gọi là thức ăn bổ sung. Thức ăn bổ sung khoáng thường dùng trong chăn nuôi gia cầm là: Các phức hợp muối có chứa canxi, photpho; Các muối amoni, muối ăn, muối của một số khoáng vi lượng. Tiêu biểu của nhóm này là khoáng đa lượng; đá vôi ở dạng bột như phấn canxi cacbonat, bột vỏ sò, vỏ trứng, bột xương, mangan sunfat (MnSO4 . 5H2O) ở dạng tinh thể, coban clorua (CoC12-6H2O) dạng bột màu hồng đỏ…
Chia quá trình sinh trưởng của ngan con-làm 3 thời kỳ là 0-3 tuần; 3-6 tuần; 7 tuần đến giết mổ (nuôi tách trông mái sẽ hiệu quả hơn). Nhu cầu dinh dưỡng trong thời kỳ kết thúc thường thấp hơn so với thời kỳ khởi động (ví dụ 12% so với 18% đối với nhu cầu protein). Có thể tiết kiệm được lượng thức ăn bằng cách giảm hàm lượng protein vào thời kỳ kết thúc. Riêng trong thời kỳ này, mức tiêu thụ thức ăn đã bằng một nửa tổng số thức ăn tiêu thụ.
Nhu cầu dinh dưỡng của ngan không đòi hỏi cao. Ngan có khả năng tự điều chỉnh mức tiêu thụ thức ăn. Bằng cách hấp thụ một lượng dinh dưỡng ổn định. Nên khi thay đổi khẩu phần ăn của ngan không làm ảnh hưởng mạnh đến chất lượng thịt. Bà con có thể yên tâm điều chỉnh khẩu phần ăn của ngan. Để phù hợp với điều kiện kinh tế.