Giống gà H’Mông là một giống gà của người dân tộc H’Mông tại các tỉnh miền núi như Sơn La, Lào Cai, Bắc Cạn và Lai Châu. Giống gà này thường có các đặc điểm như thịt đen, xương đen và đặc biệt là giàu dinh dưỡng. Gà H’Mông mang lại giá trị kinh tế cao khi thịt gà có những yếu tố như da dày giòn, ít mỡ, thịt săn nhưng không dai và hương thơm có vị ngọt đậm. Vậy người chăn nuôi nên áp dụng kỹ thuật như thế nào để cho năng suất và hiệu quả cao, thì hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây nhé.
Giới thiệu về giống gà H’Mông
Gà H’Mông có nguồn gốc ở các vùng núi cao có đồng bào người H’Mông được chăn thả tự nhiên nên loài này sức chống chịu với bệnh tốt mà lại cho giá trị kinh tế cao.
Gà H’Mông hay còn gọi là gà Mông, gà Mông đen hay gà Mèo hay gà xương đen là một giống gà nội địa của Việt Nam có nguồn gốc ở miền núi phía Bắc. Giống gà H’Mông là giống gà quý hiếm, có đặc điểm là thịt đen, xương đen, hàm lượng mỡ trong thịt ít, thịt chắc và thơm ngon vào bậc nhất trong các giống gà ở Việt Nam hiện nay. Ngoài việc sử dụng làm thực phẩm, người dân tộc H’Mông còn nấu cao để bồi bổ sức khoẻ. Hiện nay gà H’Mông thương phẩm được coi là món ăn đặc sản.
Giống gà này chủ yếu được nuôi ở các tỉnh miền núi phía bắc. Trong những năm gần đây, nhiều người chăn nuôi quan tâm đặc biệt đến giống gà này. Theo các chuyên gia về chăn nuôi, gà H’Mông thường rất dễ nuôi với nhiều loại thức ăn đơn giản, dễ tìm như rau muống, lúa, sắn.
Hầu hết các loại gà H’Mông đen thường có sức sống mạnh, đề kháng tốt. Nên có khả năng chóng chọi với bệnh tật, đa phần không bị vướng bệnh tật gì trong quá trình phát triển. Khi chọn giống gà con thì chọn gà nhanh nhẹn, mắt sáng, lông bông, bụng gọn, chân mập. Tránh chọn những con gà khô chân, vẹo mỏ, hở rốn, bụng sệ, lỗ huyệt bết lông.
Một số kỹ thuật về môi trường và điều kiện nuôi gà
Trước khi tiếp nhận gà về nuôi cần phải chuẩn bị đầy đủ mọi điều kiện vật chất kỹ thuật trong chăn nuôi gà như: Chuồng nuôi, rèm quây, chụp sưởi, máng ăn, máng uống. Tất cả phải khử trùng trước khi sử dụng 5 – 7 ngày. Chuẩn bị đầy đủ thức ăn, thuốc thú y cho đàn gà.
Chuồng nuôi phải đảm bảo thoáng mát vào mùa hè, kín ấm vào mùa đông. Nền chuồng phải cao ráo dễ thoát nước. Chất độn chuồng: Có thể dùng trấu, dăm bào sạch, hoặc rơm rạ mới, lót dày 5 – 7 cm. Chú ý chất độn phải khử trùng formol 2% trước khi dưa gà vào nuôi 3 – 5giờ.
Mật độ gà nuôi trên nền độn chuồng: Đối với gà từ 1 – 7 tuần tuổi: 15 – 20 con/m2; 8 – 20 tuần tuổi: 7 – 10 con/m2; >20 tuần tuổi: 3 – 4 con/m2.
Nuôi trên sàn lưới: 1 – 3 tuần tuổi : 40 – 50 con/m2; 4 – 12 tuần tuổi : 10 – 12 con/m2.
Lưu ý khi lựa chọn thức ăn cho giống gà H’Mông
Khẩu phần ăn được cân đối đủ các chất dinh dưỡng đáp ứng nhu cầu phát triển trong giai đoạn nuôi. Thức ăn phối trộn pha chế đa nguyên liệu, sử dụng đạm nguồn gốc thực vật, động vật, premix vitamin, khoáng vi lượng, v.v…
Không dùng nguyên liệu bị nấm mốc, nhiễm độc tố aflatoxin hoặc bột cá có hàm lượng muối cao. Dùng đỗ tương phải rang chín gà mới tiêu hoá được, nếu sống gà ăn sẽ bị rối loạn tiêu hoá (bị ỉa chảy).
Việc nuôi gà bằng các loại thức ăn tự nhiên trong vườn không những có thể kiểm soát được độ an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng thịt gà mà còn giúp người chăn nuôi tiết kiệm được chi phí đầu tư thức ăn chăn nuôi, tăng hiệu quả kinh tế.
Gà H’mông tiêu tốn lượng thức ăn xanh nhiều hơn thức ăn tinh. Nguồn nước cần đảm bảo độ sạch cao, tránh nhiễm bẩn, nhiễm khuẩn gây bệnh cho gà.
Phương pháp kỹ thuật trong chăm sóc nuôi dưỡng
Gà được ăn tự do suốt ngày đêm. Thời gian chiếu sáng 24/24 giờ (ban ngày dùng ánh sáng tự nhiên, đêm thắp sáng bằng điện). Trong điều kiện thời tiết và nhiệt độ của môi trường thuận lợi (ấm áp, khô ráo). Sau 3 – 4 tuần tuổi, nếu thời tiết lạnh dưới 20 độ C sau 5 – 6 tuần có thể cho gà vận động. Để giúp cơ thể săn chắc khi mổ thịt không bị nhão.
Nước uống: Cần cho gà uống nước sạch và tăng sức đề kháng trong những ngày đầu pha vào 5 gam đưòng gluco + 1 gam vitamin c/1 lít nước. Sử dụng chụp nước uống tự động bằng loại nhựa 1,5 lít thì 3 máng/100 gà, loại 3,8 lít thì 1 máng/100 gà. Thường sử dụng loại máng uống 1,5 lít tốt hơn, gà con không nhảy vào máng và thuận lợi hơn.
Vị trí đặt chụp nước có khoảng cách thích hợp với khay ăn để thuận tiện cho gà uống nước. Hàng ngày thay nước 2 – 3 lần, để nước không bị ôi chua khi thức ăn lẫn vào. Ngày đầu mới xuống chuồng, đầu tiên cho gà uống nước trước, sau 2 – 3 giờ mới cho gà ăn.
Máng ăn: Đảm bảo đầy đủ máng ăn để gà không chen lấn và ăn đồng đều. Trong 2 – 3 tuần đầu sử dụng khay ăn bằng tôn hoặc nhựa. Với kích thước 3 x 50 x 80 cm cho 100 gà con. Có thể dùng mẹt tre 100 gà/2 mẹt tre.