Mô hình chăn nuôi chim cút ngày càng được nhân rộng trên toàn quốc bởi vì đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ gia đình. Việc xây dựng chuồng nuôi chim cút đẻ là một yếu tố rất quan trọng trong việc nuôi chim cút. Bởi vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến việc bảo quản chim cút mẹ và trứng. Chuồng nuôi chim cút phải đảm bảo các yếu tố kỹ thuật, đáp ứng được nhu cầu sinh lý của chim. Ngoài ra, chuồng trại nuôi chim cút còn phải đảm bảo yếu tố vệ sinh môi trường để chăn nuôi lâu dài. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu những yêu cầu kỹ thuật cơ bản khi làm chuồng nuôi chim cút đẻ ở bài viết dưới đây nhé.
Những yêu cầu của chuồng nuôi chim cút đẻ
Vị trí nuôi chim cút đẻ
Trước khi tiến hành xây lắp lồng cũng như phân chia khu vực nuôi cút thì chúng ta phải chọn được một ví trí thích hợp. Vì đây là mô hình nuôi chin cút công nghiệp nên chim cút sẽ hoàn toàn ở trong nhà. Người nuôi cần thiết kế nhà nuôi nằm theo hướng Đông để đón nắng cũng như tránh gió lùa. Chim cút là loài ưa khô nên khu vực nuôi cần cao ráo, thoáng mát, tránh ẩm thấp dễ sinh bệnh cho chim.
Nhiệt độ và không gian trong chuồng nuôi
Nhiệt độ thích hợp và ổn định: Đối với chim cút non, mức nhiệt độ thích hợp là từ 24 – 350C; còn với chim cút đẻ mức nhiệt là 18 – 250C. Nhiệt độ của chuồng nuôi quá nóng hoặc quá lạnh sẽ khiến chim bị rối loạn trao đổi chất. Và làm giảm tốc độ sinh trưởng và chất lượng thịt cũng như khả năng đẻ trứng và chất lượng trứng.
Thoáng khí: Môi trường bên trong chuồng nuôi chim cút cần phải thoáng mát; thông gió tốt để không khí sạch được lưu thông; hạn chế tích tụ các loại khí độc hại sinh ra từ chất thải của chim. Ngoài ra chuồng nuôi phải cao ráo, tránh ẩm thấp dễ gây bệnh cho chim.
Không gian yên tĩnh: Chuồng chim cút nên đặt ở nơi yên tĩnh, không bị xáo trộn, có ít người lạ cũng như động vật qua lại.
Tránh các động vật gây hại: Chim cút có kích thước khá nhỏ bé nên chúng dễ bị các loài động vật gặm nhấm như chuột, hoặc các động vật săn mồi như mèo tấn công và gây tổn thương. Vì vậy cần có biện pháp rào chắn bảo vệ cẩn thận, chắc chắn. Tùy điều kiện cụ thể mà làm bằng các vật liệu khác nhau để loại trừ sự phá hại gây ra bởi các động vật gây hại.
Vệ sinh sạch sẽ: Chuồng chim cút cần được thiết kế sao cho dễ dọn rửa chuồng; máng ăn máng uống được thay và cọ rửa thường xuyên; các chất thải cần được thu gom xử lý để không gây ô nhiễm môi trường.
Vật liệu xây dựng chuồng nuôi
Vật liệu làm chuồng thường là khung thép và vây bằng lưới thép mạ kẽm để hạn chế rỉ sét. Không nên làm chuồng bằng gỗ vì dễ bị mối mọt và ảnh hưởng đến sức khỏe đàn cút nuôi. Nên chọn loại lưới mắt nhỏ để chim dễ di chuyển và chống chuột. Các lồng được thiết kế thành nhiều tầng để tiết kiệm diện tích và tăng số lượng đàn. Nóc lồng lót vật liệu mềm để tránh tổn thương vì chim cút hay nhảy.
Lồng nuôi chim cút nên có chân cao 50 cm để hạn chế các loài gây hại cũng như tạo không gian cao ráo. Lồng được lắp ghép nên có thể dễ dàng tháo lắp và di chuyển khi cần thiết. Phần mái che có thể làm từ nhiều loại vật liệu nhưng khuyến khích nhất là ngói hoặc tôn lạnh. Nhằm để sử dụng lâu dài và tránh nóng, che mưa hiệu quả.
Các loại lồng nuôi phổ biến hiện nay
Chuồng nuôi chim cút sinh sản được chia thành ba loại chuồng nuôi khác nhau, bao gồm lồng úm, lồng hậu bị và lồng cút đẻ. Ba kiểu chuồng này dành cho ba giai đoạn phát triển riêng biệt từ lúc chim còn non cho tới khi chim có khả năng sinh sản.
Lồng úm
Lồng úm: Đây là khu vực dành cho chim non dưới 10 ngày tuổi. Kích thước của lồng úm rất đa dạng và tùy theo diện tích nuôi để thiết kế, thường có kích thước trung bình là 1,5 x 1 x 0,5 m. Khung lồng làm bằng thép cây xây dựng và vây bằng lưới thép mạ kẽm 2,5 mm ô vuông 0,8 x 0,8 cm. Lồng úm cần có các bóng đèn sưởi để duy trì thân nhiệt cho chim non. Mỗi lồng có thể úm được khoảng 200 chim non.
Lồng hậu bị
Lồng hậu bị: Lồng hậu bị có cấu tạo không quá khác biệt so với lồng úm. Và vẫn được đặt trên cao và trang bị bóng đèn sưởi. Khu vực này dành cho chim đang trong giai đoạn phát triển có độ tuổi từ 11 – 30 ngày. Kích thước và vật liệu tương tự như lồng úm nhưng giảm nhiệt độ sưởi (giảm 20C/tuần) và thời gian sưởi vào ban đêm hoặc khi trời lạnh. Khu vực này chỉ nên nuôi với mật độ 100 – 120 cá thể/lồng.
Lồng cút đẻ
Lồng cút đẻ: Đây là giai đoạn quan trọng nhất quyết định trực tiếp đến hiệu quả kinh tế của mô hình. Lồng nuôi chim cút đẻ có kích thước 1 x 1,5 x 0,5 m. Mỗi lồng nuôi khoảng 25 – 30 cút mái. Nóc lồng làm bằng vật liệu mềm vì cút hay nhảy dựng đứng. Nền chuồng được xây nghiêng với độ dốc khoảng 3 – 50 để trứng lăn ra máng hứng nhẹ nhàng; dễ dàng thu hoạch trứng mà không bị vỡ. Ngoài máng ăn và máng uống, lồng cút đẻ còn được trang bị thêm máng hứng trứng; thường đặt ở phần chân dốc của đáy chuồng. Máng hứng trứng có kích thước 5 x 1,5 x 3 cm. Nó được lót thêm vải để hạn chế tối đa trứng bị nứt vỡ khi lăn xuống máng.
Các loại lồng trên hiện nay được bán rất nhiều trên thị trường với mức giá dao động từ 100,000 – 150,000/lồng chất lượng tốt. Hoặc bà con cũng có thể tự mua vật liệu để làm chuồng theo ý muốn.
Các dụng cụ đi kèm khi làm chuồng nuôi
Khi làm chuồng nuôi chim cút cần lưu ý đến các vật dụng đính kèm bao gồm:
- Máng thức ăn: Máng ăn được gắn phía ngoài lồng khi chim đã lớn và được đặt bên trong lồng úm. Kích thước máng thường là 5 x 50 x 2 cm có lưới che trên mặt. Nhằm để tránh tình trạng thức ăn rơi vãi, hao hụt.
- Máng nước uống: Máng được đặt kế bên máng thức ăn và có kích thước 5 x 50 x 4 cm.
- Máng hứng trứng: Khi chim cút vào độ tuổi đẻ thì mỗi ngày đẻ một trứng nên rất khó để thu gom trứng thủ công. Máng trứng được đặc bên ngoài lồng chim đẻ và ở phần chân dốc của đáy lồng. Kích thước dài bằng đáy lồng 5 x 1,5 x 3 cm. Có thể lót thêm vải để hạn chế tối đa trứng bị nứt.
Việc thiết kế chuồng nuôi chim cút đẻ đúng kỹ thuật và đạt tiêu chuẩn tạo được cho cút mẹ môi trường sống tốt nhất. Bên cạnh đó, năng suất của đàn được nâng cao và việc quản lý đàn dễ dàng hơn. Hy vọng với những kiến thức về chuồng nuôi chim cút đẻ, bạn đọc có thể áp dụng vào việc chăm sóc đàn vật nuôi tại nhà!