Hiện nay, mô hình nuôi chim bồ câu ở các hộ gia đình và trang trại đang ngày càng phổ biến. Việc nuôi chim bồ câu đã và đang giúp các hộ nông dân làm giàu và cải thiện đời sống. Để có thể nuôi chim bồ câu dễ dàng và mang lại hiệu quả kinh tế cao thì chuồng nuôi sẽ là điều kiện tiên quyết để quyết định việc này. Hôm nay hãy cùng chúng tôi tìm hiểu các yêu cầu khi làm chuồng chim bồ câu và những loại chuồng bồ câu phổ biến nhất hiện nay ở bài viết dưới đây nhé.
Những yêu cầu cơ bản khi thiết kế chuồng nuôi chim bồ câu
Hướng chuồng
Hướng chuồng nuôi chim bồ câu thích hợp nhất là hướng Đông Nam phù hợp với điều kiện khí hậu của nước ta. Về mùa hè, chuồng nuôi thoáng mát, hạn chế việc phải sử dụng hệ thống làm mát; đồng thời kích thích khả năng sinh sản của chim mái.
Ánh sáng, nhiệt độ
Chim bồ câu là một trong những giống chim rất nhạy cảm với ánh sáng. Khi đẻ thì chúng chỉ cần 1 phần ánh sáng nhỏ. Nhưng khi ấp trứng lại phụ thuộc chặt chẽ vào ánh sáng. Thời gian chiếu sáng tối thiểu trong ngày là 13 giờ. Chính vì vậy, chuồng nuôi phải thông thoáng, có đủ ánh sáng.
Ở miền Bắc vào mùa đông nên lắp thêm bóng đèn 40W để tăng thời gian chiếu sáng vào ban đêm, cường độ ánh sáng khoảng từ 4 – 5W/m2, thời gian chiếu sáng từ 3 – 4 tiếng/ngày.
Yên tĩnh
Bồ câu sẽ bỏ đi nếu xung quanh quá ồn ào, quá bẩn, có nhiều kiến… đặc biệt đối với mô hình nuôi bồ câu thả vườn. Do đó yêu cầu chuồng nuôi phải cao ráo, sạch sẽ, thoáng mát, yên tĩnh, không có tiếng ồn lớn xung quanh.
Trong thời kỳ đẻ trứng và ấp trứng, môi trường xung quanh phải thực sự yên tĩnh; giảm bớt tầm nhìn, âm thanh, ánh sáng để chim chuyên tâm ấp, không bị phân tán.
Những kiểu chuồng nuôi chim bồ câu phổ biến
Do chim bay lượn giỏi (khác với gà, vịt…) nên nguyên tắc chung của chuồng chim bồ câu là: Ở trên cao, cách mặt đất ít nhất là 0,6 m, hạn chế cho chim tiếp xúc với mặt đất (vì càng tiếp xúc với mặt đất càng nhiều thì bệnh tật cũng càng nhiều). Do đó máng ăn, máng uống của chim không nên để xuống nền chuồng mà nên đặt trên các hệ thống giá đỡ để chim ăn, uống; cần bố trí cho chim có một khoảng không rộng xung quanh và cả “khoảng trời” phía trên chuồng nuôi. Hiện, có 3 kiểu chuồng nuôi chim bồ câu phổ biến, cụ thể như sau:
Chuồng áp tường
Đây là loại chuồng có ở nhiều nông hộ, dùng để nuôi chim quy mô nhỏ, tận dụng, chi phí thấp. Ở phía trước có một hành lang cho chim đậu và đi lại, rộng 20 cm theo suốt chiều dài của chuồng; “hành lang” này đồng thời làm bãi cho chim ăn. Cần bố trí một mảnh lưới trước mặt chuồng để khống chế chim mới và có thể tháo bỏ ra lúc chim đã hoàn toàn quen chuồng.
Khi thời tiết xấu, có thể dùng mảnh lưới này để nhốt chim ở phía trong. Mái chuồng có thể làm bằng tôn kẽm, nhưng để đỡ nóng, nên phủ giấy dầu lên trên và có trần bằng ván ép.
Chuồng trên cột đỡ
Đây là kiểu chuồng phổ biến trong các nông hộ chăn nuôi quảng canh; ở độ cao thích hợp, phù hợp với đặc điểm sinh lý của chim, ít bị ẩm ướt và cách ly tốt. Nhược điểm là do chuồng đặt trên trụ cao nên khó chăm sóc, quản lý; chuồng bị phơi nắng, hứng mưa nhiều; gây bất lợi cho cuộc sống của chim.
Mặt khác, khi đàn chim phát triển, tăng số lượng thì khó tăng thêm ô chuồng tương ứng. Loại chuồng này cũng chỉ phù hợp với chăn nuôi trong nông hộ quy mô nhỏ.
Chuồng quy mô lớn
Loại chuồng này thích hợp cho các nông hộ chăn nuôi quy mô lớn hơn, với điều kiện đất rộng, trong vườn có nhiều cây xanh. Chuồng chim nên cách xa nhà để tránh sự ô nhiễm môi trường.
Chuồng cần có độ cao vừa phải để người chăn nuôi tiện quan sát và chăm sóc cho chim. Đặc biệt, chuồng nuôi chim ấp trứng và chim con rất cần được yên tĩnh.