Chúng ta cần đánh răng hàng ngày để làm sạch răng miệng. Đó cũng là cơ sở để giúp ta phòng tránh các bệnh như sâu răng, hôi miệng,… Với vật nuôi cũng thế thôi. Chúng ăn đa dạng thức ăn nên cũng cần đánh răng thường xuyên. Việc đánh răng cho những chú chó hay những chú mèo sẽ giúp răng miệng của chúng luôn sạch sẽ. Bạn cũng có thể thoải mái hơn trong việc ôm, nựng nịu nó. Trong bài viết này mình sẽ chia sẻ cách đánh răng phù hợp nhất với thú cưng. Cùng xem qua nhé.
Một số bệnh răng miệng thường gặp ở thú cưng
Viêm nướu và sâu răng
Vấn đề này chủ yếu do vi khuẩn hoặc nấm tích tụ trong thức ăn hay mảng bám quanh răng. Ban đầu vùng nướu sẽ viêm và sưng đỏ; sau đó chân răng và nướu có chảy máu và có thể có dịch mủ. Thú cưng đau, chán ăn, tăng tiết nước bọt, miệng có mùi hôi.
Hôi miệng
Ngoài các nguyên nhân trực tiếp như cao răng hay sâu răng thì các bệnh nội khoa như suy gan; suy thận, viêm dạ dày, tụy… cũng làm cho hơi thở hôi và răng bị chuyển màu. Nếu loại trừ được các nguyên nhân từ răng miệng thì các xét nghiệm chuyên sâu để xác định nguyên nhân là vô cùng cần thiết.
Thú cưng cũng cần đánh răng
Bạn sẽ cảm thấy như thế nào nếu một ngày không đánh răng? Chắc chắn là không thoải mái và tự tin rồi, đúng không nào? Sự thật là các bé thú cưng cũng cần đánh răng thường xuyên đấy. Có thể bạn không tin nhưng việc đánh răng đem lại nhiều lợi ích hơn ta nghĩ: ta sẽ rất thoải mái khi cái miệng xinh xinh thơm tho của các cô chú nhỏ 4 chân loay hoay ôm hôn con cái của mình, rồi răng miệng sạch sẽ không chỉ đem lại sức khỏe dồi dào mà còn tiết kiệm tiền cho bạn, nào là tiền đi cạo vôi răng, tiền đi nhổ răng hư, viêm dạ dày ruột, suy thận đều là hậu quả của bệnh răng miệng gây ra.
Mục đích
Mục đích chính của việc đánh răng cho thú cưng là ngăn ngừa mùi hôi, mảng bám (cao răng/vôi răng) và phát hiện sớm các bệnh về răng miệng. Cao răng gồm thức ăn thừa, lông thú (khi thú cưng vệ sinh lông, cắn gãi) và ti tỉ vi khuẩn.
Một số thú cưng đến bệnh viện trong tình trạng cao răng bao kín cả răng, mùi hôi thì chỉ cần mở miệng là bác sĩ muốn xỉu và đa số đều có vấn đề về ăn uống, tiêu hóa kém, sức đề kháng kém. Vì hằng ngày, hằng giờ các bạn í phải nuốt nước bọt với vô số vi khuẩn, và vi khuẩn có thể xâm nhập vào máu đi khắp cơ thể, gây bệnh cho nhiều cơ quan. Không ít lần các bác sĩ thú y đã tiếp nhận vài ca cá biệt bị viêm thận cấp, suy thận mãn, viêm loét dạ dày, nhiễm trùng máu mà nguyên nhân sâu xa cũng bởi bộ răng dơ.
Quy trình đánh răng cho thú cưng
Khi đã hiểu được lợi ích của việc đánh răng, thì chúng ta cùng thực hành nào:
- Tốt nhất nên thực hiện khi thú còn nhỏ, với một thái độ tích cực, vui vẻ, từng bước một và dừng lại nếu thú phản ứng
- Bắt đầu với kem đánh răng vị bò hoặc gà
- Cho 1 ít kem đánh răng bằng hạt đậu vào miệng thú, rồi thưởng ngay bánh hoặc đồ chơi và khen ngợi
- Ngày tiếp theo, tăng thời gian giữa cho ăn kem đánh răng và thưởng. Những ngày sau tăng dần
- Tiếp theo, cho kem đánh răng lên bàn chải (dành riêng cho thú cưng) và nhẹ nhàng cho vào miệng thú. Thưởng và khen ngợi.
- Cuối cùng, chải răng nhẹ nhàng, và cứ thế, giúp bé chải răng hàng ngày.
Chú ý
Đối với mèo hoặc các giống chó nhỏ, bạn có thể dùng loại bàn chải ngón tay hoặc dùng gạc quấn vào ngón tay để làm sạch răng cho thú. Một số bạn mèo cựa quậy nhiều, bạn có thể quấn vào một cái khăn và ôm mèo lại.
Nếu việc đánh răng đối với bạn quá khó, bạn có thể sử dụng sản phẩm dạng pha vào nước uống, dạng thức ăn hoặc xương nhai sạch răng.
Mình khuyên bạn nên cho thú cưng đến bác sĩ kiểm tra răng miệng định kỳ hằng năm và cạo vôi răng (có sử dụng 1 ít thuốc an thần nhẹ), đối với mèo và chó nhỏ bắt đầu sau 1 tuổi, chó lớn sau 2 tuổi, đặc biệt khi bạn thấy các dấu hiệu: hơi thở hôi, răng ố vàng, nướu sưng đỏ. Nếu bạn băn khoăn về việc liệu có nên gây mê khi kiểm tra nha khoa thì có thể tham khảo thêm thông tin từ bác sĩ thú y nhé.
Tổng kết
Bệnh răng miệng nói chung đều làm cho thú khó chịu, ăn không ngon, ngủ không yên; nhưng đôi khi chúng không thể hiện rõ ra bên ngoài. Quan tâm đến sức khỏe răng miệng của thú cưng là quan tâm đến chất lượng sống; hay đến niềm hạnh phúc của các bạn nhỏ.
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết. Hi vọng những thông tin này sẽ hữu ích với bạn. Xem thêm cách phòng bệnh cho vật nuôi tại đây.